Đua xe trái phép bị xử lý thế nào?

Ngày đăng: Chủ nhật - 12/11/2023 06:20
1. Nghiêm cấm hành vi đua xe trái phép
Cụ thể, theo khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nghiêm cấm hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
Đua xe trái phép bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
2. Đua xe trái phép bị xử lý thế nào?
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đua xe trái phép
Căn cứ Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;
+ Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện thực hành vi này còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tịch thu phương tiện (trừ súc vật kéo, cưỡi);
- Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.
2.2. Truy cứu trách nhiệm tội đua xe trái phép
Người có hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:
- Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc tổ chức đua xe trái phép (Điều 265 Bộ luật Hình sự) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Mức phạt cao nhất đối với tội danh đua xe trái phép là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3. Tổ chức đua xe trái phép có thể bị xử lý tù chung thân
Căn cứ Điều 265 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt tối đa đối với tội danh này là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 
Nguồn tin: Nguồn: Sưu tầm
Bình luận ngay