Hiểm họa tai nạn giao thông từ việc vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe

Ngày đăng: Thứ năm - 20/07/2023 14:30
Hành động vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng là hiểm họa dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) với hậu quả khôn lường cho bản thân và người khác. Hành động này đang xảy ra khá phổ biến trên khắp các tuyến đường thành thị lẫn nông thôn.
Hành động vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại xảy ra khá phổ biến
trên khắp các tuyến đường thành thị lẫn nông thôn
Nghe điện thoại, nhắn tin, thậm chí lướt web khi điều khiển xe là hình ảnh không khó tìm thấy trên các tuyến đường. Dừng xe quan sát trên tuyến Quốc lộ 30 tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp (hướng TP.Cao Lãnh đi Hồng Ngự) chưa đầy 10 phút, chúng tôi đã bắt gặp hơn 10 trường hợp người tham gia giao thông một tay điều khiển xe máy một tay nghe điện thoại, thậm chí có người chăm chú nhìn vào điện thoại nhắn tin rồi cứ thế cho xe lao vun vút, bất kể phương tiện giao thông xung quanh.
Cô Trần Mỹ Hoa - chủ một quán nước trên đường 30/4 bức xúc nói: “Hiện nay, tôi thấy nhiều người đang lái xe nhưng vẫn sử dụng điện thoại. Nhiều trường hợp mải nghe điện thoại khi lái xe, từ xe máy, xe tải, xe khách đến xe taxi... Lái xe lưu thông trên đường thiếu quan sát rất nguy hiểm, TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Báo, đài hàng ngày đưa tin nhiều vụ TNGT kinh hoàng nhưng sao họ không biết sợ?”.
Còn chú Nguyễn Thanh Tùng ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, nhà cặp Quốc lộ 30 cho biết: “Cách đây vài ngày, có cô gái chạy chiếc SH mode vừa chạy xe vừa nhắn tin thì bị sụp “ổ gà” tự té trước nhà tôi. Cũng may người chỉ trầy xước nhẹ còn xe thì bị gãy kính chiếu hậu. Nhắn tin thì dừng xe lại, không thì về nhà mà nhắn. Thời buổi giờ xe cộ đông đúc, chỉ cần mất tập trung một vài giây là đánh đổi cả tính mạng không chỉ của bản thân mà của cả những người cùng tham gia giao thông”.
Theo Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đồng Tháp, dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện mất tập trung; khả năng xử lý khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng và dễ gây ra tai nạn...
Vào tháng 1/2018, một nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam (do Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Đại học Việt Đức nghiên cứu) cho thấy: Nếu vừa lái xe vừa nhắn tin, nguy cơ tai nạn tăng hơn 20 lần, còn gọi điện thì nguy cơ cao gấp hơn 3 lần.
Vì vậy, nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, người tham gia giao thông có thể đeo tai nghe từ trước và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt Web, chat khi tham gia giao thông. Việc làm này khiến toàn bộ sự tập trung của người điều khiển phương tiện hướng về thiết bị di động mà không còn chú ý đến việc lái xe, nguy cơ tai nạn là không phải bàn cãi.
Việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là thật sự không cần thiết, không những bị xử phạt mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường. Không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh mình. Vì thế, hãy nói không với sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông.
Nguồn: Báo Đồng Tháp
Bình luận ngay