Các em nhỏ được gia đình anh Nguyễn Văn Chung nhận nuôi vui chơi cùng các "cô nuôi" tại đền Cô Bơ
Men theo “con đường tâm linh” nối liền 2 xã Hà Ngọc và Hà Sơn (Hà Trung), chúng tôi dâng hương, vãn cảnh tại đền Cô Bơ. Đây không phải là lần đầu tiên đến với đền, nhưng dường như nét đẹp, vẻ linh thiêng của ngôi đền luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Mặc dù hoàng hôn đã phủ bóng trên một vùng ngã ba sông rộng lớn, nhưng vẫn có những đoàn khách theo cả đường bộ và đường sông háo hức đội lễ vào đền. Đang vẩn vơ với những ý nghĩ, chiếc xe kéo theo hai người phụ nữ cùng 4, 5 bạn nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau vui đùa, tiếng nói cười râm ran tiến dần vào sân đền làm chúng tôi và nhiều du khách cảm thấy tò mò. Những đứa trẻ có vẻ quen thuộc với nơi này. Chiếc xe kéo vừa dừng lại, chúng chạy ùa cả xuống. Mấy đứa lon ton chạy quanh gốc cây bàng già trong sân đền, đứa thì bám lấy cậu Trường (người của đền - PV) nhất quyết đòi bế. Lân la hỏi chuyện hai người phụ nữ đi cùng các bé mới biết đây đều là những đứa trẻ bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi được vợ chồng NNƯT Nguyễn Văn Chung nhận nuôi. Anh Chung là một thanh đồng nức tiếng xứ Thanh, nhiều năm đảm nhận công việc thủ từ đền Cô Bơ.
Đường đột gõ cửa căn phòng nhỏ trong khuôn viên đền, chúng tôi tìm gặp anh Chung để được lắng nghe nhiều hơn những điều thiện lành. Câu chuyện về cuộc đời của những đứa trẻ ấy và hành trình gieo mầm thiện nguyện suốt những năm qua của vợ chồng anh Chung khiến cho kỷ niệm về buổi chiều đầy gió ấy trong chúng tôi càng thêm ấm áp, đong đầy yêu thương.
Cơ duyên nào đã đưa anh chị đến quyết định nhận nuôi những em nhỏ bị bỏ rơi? “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, đơn giản như câu hát ấy, chúng tôi chỉ nghĩ là mang hết tấm lòng, sự thành tâm của mình ra để làm việc thiện”, anh Chung chia sẻ.
Ngay từ thời điểm ấp ủ dự định, vợ chồng anh Chung hiểu hơn ai hết những khó khăn, thử thách và cả những áp lực mà mình sẽ phải đối mặt. Vì thế, dự định ban đầu, hai vợ chồng chỉ nghĩ sẽ nhận nuôi 3 bé để có đủ thời gian, dồn tâm sức chăm sóc, nuôi dưỡng các bé cho thật tốt. Tuy nhiên, có những sự việc xảy đến bất ngờ như một cơ duyên khiến vợ chồng anh ngày càng bước xa hơn trên con đường thiện nguyện. Anh Chung thủ thỉ: “Phía sau mỗi đứa trẻ mà chúng tôi nhận nuôi là một câu chuyện với những hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có những bé được âm thầm mang đến đặt ngay trước cửa nhà, trang trại nông nghiệp công nghệ cao của chúng tôi như lời gửi gắm về một sinh mệnh, kiếp người”.
Đó là trường hợp của bé Nguyễn Thị Kim Ngân bị bỏ lại ngay trong đêm trước cửa nhà vợ chồng anh Chung ở xã Hà Sơn. Bé được đặt trong 1 hộp cát tông, bên trong có mảnh giấy nhỏ ghi ngày tháng năm sinh. Cũng tương tự như bé Nguyễn Thị Kim Ngân, có 2 bé cũng được gửi gắm cho vợ chồng anh nuôi với vỏn vẹn dòng chữ nguệch ngoạc: “Cậu chăm sóc bé hộ con, con đội ơn cậu”. Nghĩ về những “cơ duyên” ấy, anh bộc bạch: “Mình cũng đã làm cha, làm mẹ, mình sẽ hiểu phải có hoàn cảnh, sự việc bất đắc dĩ như thế nào thì mới đành lòng bỏ con lại như vậy. Dù biết là sẽ khó khăn nhiều thứ nhưng hai vợ chồng mình vẫn động viên nhau, bé đã đến với mình, dù bằng cách này hay cách khác thì cũng là hữu duyên, cố gắng nhận nuôi bé, cho bé một cuộc sống ấm áp hơn”.
Được biết, thời điểm bắt đầu, gia đình anh Chung đã bày tỏ nguyện vọng và được chính quyền địa phương chấp thuận việc nhận nuôi, chăm sóc trẻ tại ngôi nhà mà gia đình anh đang sinh sống ở xã Hà Sơn. Theo thời gian, từ những điều hữu duyên, tấm lòng rộng mở như thế mà ngày càng có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi được gia đình của NNƯT Nguyễn Văn Chung nhận nuôi. Để đảm bảo tính pháp lý cũng như các điều kiện thuận lợi nuôi dưỡng, chăm sóc các bé, gia đình anh đăng ký và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận thành lập Trung tâm Mái ấm tình thương Chung Thủy vào tháng 2/2024.
Trung tâm Mái ấm tình thương Chung Thủy là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật (trừ dạng tật thần kinh - tâm thần) theo quy định. Trung tâm hiện đang nhận nuôi, chăm sóc 8 bé với nhiều độ tuổi khác nhau.
- Khi quyết định dấn thân vào hành trình này, vợ chồng anh có lo ngại đến những khắt khe của cộng đồng đối với vấn đề nhận nuôi, chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hay không?
- Vợ chồng tôi cũng nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có sự tự tin của riêng mình. Bởi lẽ khi thực hiện công việc này, hai vợ chồng đều xác định rất rõ ràng là có đến đâu thì làm đến đó, không vận động hay kêu gọi tài trợ, ủng hộ - anh Chung bộc bạch.
Thời gian đầu nhận nuôi các bé, vợ chồng anh chị không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ. Anh Chung cho biết: “Phần lớn các bé được nhận nuôi đều từ khi còn rất nhỏ nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng không hề đơn giản”. Có dịp trò chuyện với hai “cô nuôi” lúc dẫn các bé vào đền chơi, mới thấm thía cái cảnh mỗi đứa mỗi tính nết. Có bé cứ ăn no là ngủ, mà cũng có bé hờn khóc suốt nửa tháng; nhiều đứa lười ăn lắm, bón từng thìa cháo... Không kể hết được những lo lắng, vất vả mỗi khi các bé ốm, sốt. Trong số các bé được nhận nuôi, 1 bé có dấu hiệu của bệnh tự kỷ nên vợ chồng phải thường xuyên đưa cháu ra Hà Nội can thiệp tâm lý, chữa trị kịp thời.
Sau này số lượng các bé nhận nuôi đông hơn và các bé cũng cứng cáp hơn một chút thì trung tâm thuê 4 - 5 người, trong đó có người phụ trách dinh dưỡng, người phụ trách các vấn đề vệ sinh chung và các “cô nuôi” chăm sóc các bé. Đối với các bé lớn hơn, vợ chồng anh chị vẫn cho các cháu theo học tại Trường Mầm non xã Hà Sơn.
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa bên nhau trong sân đền Cô Bơ, ai cũng không khỏi xót xa, thương cảm. Chẳng ai có thể lựa chọn cách mình được sinh ra trên cuộc đời, số phận mỗi người mỗi khác. Nhưng có lẽ, điều ấm áp nhất lúc này là các em vẫn may mắn gặp được những người như vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung. “Tổ ấm” ấy đã xoa dịu, vỗ về tuổi thơ em, cho em một điểm tựa để đi về phía tương lai. "Các bé về với trung tâm đều do mình đặt tên, như cuộc đời bắt đầu từ đó”, anh Chung tâm sự.
Sương chiều sà xuống sân đền, mênh mang phủ lên sông nước. Đám trẻ theo lời thúc giục của “cô nuôi” lên chiếc xe kéo để trở về “mái ấm” của mình. Đứa nhỏ leo lên không kịp các anh, các chị phụng phịu, các cô phải ẵm lên lòng an ủi mới chịu ngưng tiếng khóc. Mấy vị khách ở đền nhìn theo chiếc xe thầm mong những hạt mầm thiện nguyện được “gieo” trên vùng ngã ba sông này cùng “mái ấm” tình thương ấy sẽ luôn là điểm tựa vững vàng, tỏa bóng mát cho hành trình tương lai của những đứa trẻ.
Đăng Khoa